“Chiến sĩ Mũ nồi xanh” là những Đại sứ Hòa bình và Văn hóa của Việt Nam

26/12/2024

/UploadStore/admin/241226 TT Pham Manh Thang tra loi bao Nhan Dan/01.png

Không chỉ là những người lính bảo vệ hòa bình, các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam còn là những đại sứ văn hóa, lan tỏa những giá trị nhân văn sâu sắc của dân tộc. Nhìn lại hành trình 10 năm Việt Nam cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam khẳng định, với sự đào tạo nghiêm túc và một tinh thần kiên định cống hiến, những chiến sĩ mũ nồi xanh của chúng ta đã khắc sâu trong lòng bạn bè quốc tế hình ảnh những người lính dũng cảm, nhân ái, luôn sẵn sàng hy sinh vì hòa bình.

Bạn bè quốc tế không chỉ nhìn thấy ở Việt Nam một quốc gia đã từng đấu tranh bảo vệ độc lập mà còn nhận ra Việt Nam là một đất nước có trách nhiệm đóng góp vào sự ổn định và hòa bình toàn cầu, khẳng định vai trò quan trọng của Việt Nam trong công cuộc xây dựng và gìn giữ hòa bình thế giới.

 

Nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế

Phóng viên: 10 năm qua, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam, nay là Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã thể hiện vị trí, vai trò, uy tín và trách nhiệm của Việt Nam đối với an ninh và hòa bình thế giới; gắn với quan điểm chỉ đạo của Đảng về chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Xin đồng chí chia sẻ về những thành tựu nổi bật của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam trong công tác đối ngoại quốc phòng của Bộ Quốc phòng trong việc góp phần củng cố, duy trì, bảo vệ môi trường hòa bình chung trong khu vực cũng như trên thế giới.

Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng: Trong thời gian qua, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực đối ngoại quốc phòng.

Trước hết, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là một chủ trương lớn, có ý nghĩa chiến lược trong tổng thể công tác đối ngoại quốc phòng của Việt Nam. Đây không chỉ là nhiệm vụ mang tính nhân đạo cao mà còn thể hiện cam kết và trách nhiệm của Việt Nam, của Quân đội nhân dân Việt Nam đối với hòa bình, ổn định thế giới và khu vực. Thông qua các hoạt động gìn giữ hòa bình, Việt Nam đã xây dựng uy tín, nâng cao năng lực, đồng thời tạo điều kiện cho lực lượng quân đội rèn luyện kỹ năng làm việc trong môi trường đa quốc gia dưới cờ Liên hợp quốc. /UploadStore/admin/241226 TT Pham Manh Thang tra loi bao Nhan Dan/02.jpg

Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam.

Về phương diện hợp tác quốc tế, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã chủ động ký kết nhiều bản ghi nhớ và thỏa thuận hợp tác với các đối tác lớn như: Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Pháp, Canada và Ấn Độ. Việc ký kết này là cơ sở quan trọng để thúc đẩy hợp tác về gìn giữ hòa bình đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả, góp phần củng cố lòng tin chiến lược và quan hệ quốc phòng song phương cũng như đa phương.

Đặc biệt, Việt Nam đã ký hai bản ghi nhớ với Liên hợp quốc về việc triển khai Bệnh viện Dã chiến và Đội Công binh đến các sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan và Abyei, khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tham gia gìn giữ hòa bình.

Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cũng có vai trò quan trọng trong việc chủ trì các cơ chế hợp tác đa phương trong khu vực và quốc tế. Việt Nam, cùng với Nhật Bản, đã đồng chủ trì "Chương trình đánh giá năng lực của lực lượng chuẩn bị tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc" trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) giai đoạn 2021-2024. Ngoài ra, Cục còn đại diện Bộ Quốc phòng Việt Nam chủ trì các cơ chế huấn luyện gìn giữ hòa bình như AAPTC năm 2022 và APCN năm 2023, góp phần nâng cao hình ảnh và uy tín của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và ASEAN.

Một trong những dấu ấn nổi bật là việc triển khai Bệnh viện Dã chiến vào năm 2018, được coi là một trong 10 sự kiện đối ngoại lớn của Việt Nam. Đồng thời, chất lượng và uy tín của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam cũng góp phần không nhỏ vào việc Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc giai đoạn 2020-2021 với số phiếu cao kỷ lục 192/193.

/UploadStore/admin/241226 TT Pham Manh Thang tra loi bao Nhan Dan/03.jpg

Các chiến sĩ mũ nồi xanh tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

/UploadStore/admin/241226 TT Pham Manh Thang tra loi bao Nhan Dan/04.jpg

Các chiến sĩ mũ nồi xanh tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế; góp phần tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế

Phóng viên: Việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc có ý nghĩa trong hoạt động đối ngoại quốc phòng nói riêng cũng như trong thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước nói chung. Theo Thiếu tướng, những yếu tố nào đã góp phần làm nên thành công này của chúng ta trong 10 năm qua? Đồng chí đánh giá như thế nào về những kết quả, bài học kinh nghiệm trong thời gian qua?

Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng: Quyết định cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam có ý nghĩa chính trị quan trọng đối với thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng theo chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước và Quân đội trong việc triển khai nhiệm vụ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam.

Việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế; góp phần tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đóng góp thiết thực vào việc giải quyết các vấn đề an ninh, bảo vệ hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới; tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đây cũng thể hiện bước phát triển mới về công tác hội nhập quốc tế của Quân đội nhân dân Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh hội nhập quốc tế và khu vực; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, góp phần nâng cao tiềm lực quốc phòng, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, bằng các biện pháp hòa bình.

Những yếu tố góp phần làm nên thành công này trong 10 năm qua là đến nay, Quân đội đã cử 1.052 lượt cán bộ, nhân viên và Công an cử 13 sĩ quan đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei và Trụ sở Liên hợp quốc. Các lực lượng của Việt Nam đã và đang hoàn thành tốt nhiệm vụ; được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận, đồng tình ủng hộ và Liên hợp quốc cùng cộng đồng quốc tế đánh giá cao; đã thể hiện tính chuyên nghiệp, tính kỷ luật, tinh thần đoàn kết quốc tế, đặc biệt là tính thích ứng nhanh trong môi trường làm việc đa quốc gia tại các phái bộ.

Với kết quả đó, Liên hợp quốc đã mời Việt Nam cử nhân sự ứng cử vào các vị trí cao như Phó Tư lệnh lực lượng quân sự Phái bộ Nam Sudan, Tư lệnh lực lượng quân sự phân khu, Phái bộ Nam Sudan... /UploadStore/admin/241226 TT Pham Manh Thang tra loi bao Nhan Dan/053.jpg

Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam.

Đối với hình thức cá nhân, Quân đội đã cử 122 lượt cán bộ tham gia ở nhiều cương vị khác nhau như sĩ quan tham mưu tác chiến, sĩ quan huấn luyện, sĩ quan trang bị, sĩ quan phân tích thông tin tình báo, sĩ quan quân lương, sĩ quan hậu cần, quan sát viên quân sự....

Đối với hình thức đơn vị, 6 thê đội với 378 cán bộ, nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 đã được triển khai, các thê đội Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam đã và đang hoạt động rất hiệu quả, tiếp tục khẳng định được năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm cao, là chỗ dựa tin cậy về chăm sóc sức khỏe cho nhân viên Liên hợp quốc tại địa bàn.

Tháng 6/2022, Việt Nam cử Đội công binh đầu tiên với 184 cán bộ, nhân viên và gần 2.000 tấn trang thiết bị sang Phái bộ UNISFA, khu vực Abyei. Sau 3 tháng triển khai, Đội công binh Việt Nam đã nhanh chóng ổn định và bắt tay ngay vào công việc, được Chỉ huy Phái bộ đánh giá cao; đến nay Quân đội đã cử 3 thê đội Đội Công binh với 552 cán bộ, nhân viên.

Thực hiện Nghị quyết 1325 của Liên hợp quốc về Phụ nữ, hòa bình và an ninh, trong 10 năm qua, Việt Nam đã cử 20 sĩ quan nữ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc theo hình thức cá nhân và 131 nữ quân nhân trong đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2 và Đội công binh, cao hơn tỷ lệ khuyến khích gần 16% do Liên hợp quốc đưa ra, được Liên hợp quốc hết sức ghi nhận.

Về xây dựng khuôn khổ pháp lý về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Bộ Quốc phòng đã đề nghị Chính phủ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp lý về tham gia gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Đây thực sự là cơ sở pháp lý quan trọng, làm cơ sở để các lực lượng triển khai tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc thống nhất, đồng bộ và hiệu quả. Hiện nay, Cục Gìn giữ hòa bình được giao chủ trì xây dựng Luật tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Về công tác huấn luyện, đào tạo gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc: Việt Nam đã làm tốt công tác huấn luyện trước khi triển khai đến phái bộ, các lực lượng của Việt Nam đã thích ứng nhanh với môi trường làm việc tại phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Các nội dung huấn luyện bao gồm: Huấn luyện quân sự chung; đào tạo ngoại ngữ; huấn luyện chuyên môn chuyên ngành; huấn luyện về kiến thức gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; huấn luyện tiền triển khai,... /UploadStore/admin/241226 TT Pham Manh Thang tra loi bao Nhan Dan/06.jpg

Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam báo công dâng Bác.

Trên cơ sở huấn luyện về gìn giữ hòa bình tại Liên hợp quốc tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam thời gian qua và qua kiểm tra thực tế, tháng 6/2018, Liên hợp quốc đã công nhận Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam là một trong bốn Trung tâm Huấn luyện quốc tế ở khu vực để triển khai huấn luyện theo chương trình Đối tác 3 bên (Việt Nam, Liên hợp quốc và một nước đối tác).

Năm 2020, Việt Nam là Chủ tịch Hiệp hội các Trung tâm Gìn giữ hòa bình khu vực châu Á-Thái Bình Dương (AAPTC), đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam đảm nhận cương vị này kể từ khi chính thức tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc năm 2014 và là một thành viên của AAPTC; đồng thời, là Chủ tịch Mạng lưới các Trung tâm huấn luyện gìn giữ hòa bình của ASEAN (APCN).

Tháng 4/2022, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị thường niên AAPTC tại Hà Nội, được các nước đánh giá cao và tổ chức Hội nghị APCN tại Việt Nam vào cuối năm 2023 và bàn giao chức Chủ tịch APCN cho Indonesia.

Đồng thời cuối năm 2023, Cục Gìn giữ hòa bình Việt nam tham mưu với Bộ Quốc phòng tổ chức thành công 2 diễn tập lớn trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng và song phương với Ấn Độ về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Việt Nam, được các đối tác quốc tế đánh giá cao.

Về hợp tác quốc tế, thời gian qua, hoạt động hợp tác về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã thu hút được nhiều sự quan tâm và hỗ trợ đáng kể của Liên hợp quốc và các nước đối tác quốc tế cho Việt Nam, góp phần làm giảm gánh nặng ngân sách của Việt Nam đầu tư cho tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Để xây dựng được hình ảnh cao đẹp và thân thiện đó, theo tôi những yếu tố tiên quyết, đó chính là sự chuyên nghiệp của cán bộ, sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam trong môi trường đa phương – Liên hợp quốc; tinh thần cầu thị, ham học hỏi và tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, khắc phục mọi khó khăn, thách thức trong môi trường khắc nghiệt tại địa bàn Phái bộ; tinh thần kỷ luật trong môi trường Liên hợp quốc; tinh thần tương thân, tương ái, tinh thần nhân đạo của con người Việt Nam nói chung trong cộng đồng quốc tế.

 

Chiến sĩ mũ nồi xanh lan tỏa hình ảnh đẹp và phẩm chất sáng ngời của Bộ đội Cụ Hồ /UploadStore/admin/241226 TT Pham Manh Thang tra loi bao Nhan Dan/07.png

Phóng viên: Trong 10 năm qua, chúng ta đã triển khai được 1.065 lượt quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, trong đó có hơn 100 quân nhân là nữ, cao hơn nhiều so với mức trung bình của Liên hợp quốc. Thưa Thiếu tướng, các những chiến sĩ mũ nồi xanh của chúng ta lên đường làm nhiệm vụ với tinh thần như thế nào và họ để lại dấu ấn gì trong mắt bạn bè quốc tế?

Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng: Các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam, khi tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, đã góp phần to lớn vào việc lan tỏa hình ảnh đẹp và phẩm chất sáng ngời của Bộ đội Cụ Hồ trên trường quốc tế. Những phẩm chất đặc trưng như tinh thần trách nhiệm, lòng nhân ái, ý chí kiên cường và sự tận tụy hết mình với nhiệm vụ không chỉ là truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam mà còn là bản sắc được các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam duy trì và phát huy mạnh mẽ trong các sứ mệnh quốc tế.

Trước hết, thể hiện tinh thần quốc tế cao cả và đoàn kết giữa các quốc gia. Tham gia các sứ mệnh tại những khu vực xung đột và chịu nhiều thử thách, các chiến sĩ mũ nồi xanh của chúng ta đã không ngại khó khăn, nguy hiểm để hoàn thành tốt nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Trong quá trình đó, họ không chỉ hỗ trợ các hoạt động quân sự mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ người dân bản địa, tham gia các công tác nhân đạo và tái thiết cộng đồng.

Hình ảnh người lính Việt Nam trong bộ quân phục xanh của Liên hợp quốc, với nụ cười thân thiện và đôi tay sẵn sàng giúp đỡ, đã trở thành biểu tượng của sự đoàn kết, tình thương yêu và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Điều này đã góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam - một quốc gia yêu chuộng hòa bình và luôn mong muốn góp phần xây dựng một thế giới ổn định, hòa bình.

/UploadStore/admin/241226 TT Pham Manh Thang tra loi bao Nhan Dan/10.jpg

Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đón nhận Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Ba.

Bên cạnh đó, sự chuyên nghiệp và tinh thần trách nhiệm cao trong từng hành động của các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam đã tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè quốc tế. Không chỉ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, các chiến sĩ mũ nồi xanh của chúng ta còn luôn nêu cao tinh thần kỷ luật, nghiêm túc và chuyên môn vững vàng. Từ các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, hỗ trợ nhân đạo cho đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở những vùng chiến sự, các chiến sĩ Việt Nam đã chứng minh rằng họ không chỉ là những người lính có năng lực mà còn có tấm lòng nhân ái. Những đóng góp này đã được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao, góp phần nâng cao uy tín và hình ảnh của Việt Nam trên trường thế giới.

Một điểm nổi bật khác chính là các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam không chỉ là những người lính bảo vệ hòa bình mà còn là những đại sứ văn hóa, lan tỏa những giá trị nhân văn sâu sắc của dân tộc. Phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ được thể hiện rõ qua sự khiêm tốn, chân thành và tinh thần phục vụ nhân dân.

Các chiến sĩ mũ nồi xanh của chúng ta đã tiếp nối truyền thống đó khi không chỉ làm tròn trách nhiệm của người lính mà còn sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ nhân dân các quốc gia nơi chúng ta đóng quân. Tham gia vào các hoạt động xã hội, hỗ trợ cải thiện đời sống cho người dân bản địa, xây dựng bệnh viện, trường học và góp phần vào sự ổn định của cộng đồng.

Không chỉ dừng lại ở các hoạt động trên chiến trường, sự hiện diện của các chiến sĩ mũ nồi xanh còn mang lại những dấu ấn về tinh thần, văn hóa và giá trị con người. Chúng ta đã tạo nên những kết nối ý nghĩa với các quốc gia đồng minh, góp phần lan tỏa một thông điệp mạnh mẽ về lòng yêu chuộng hòa bình, sự kiên cường và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Đặc biệt, đến nay Việt Nam triển khai hơn 200 lượt nữ sĩ quan, quân nhân tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình. Dù phải hoạt động trong môi trường đa quốc gia, có nhiều áp lực và thách thức như điều kiện khí hậu, dịch bệnh, an ninh bất ổn nhưng các nữ chiến sĩ của chúng ta đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, hy sinh cá nhân để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sự đóng góp của các nữ sĩ quan, quân nhân được đánh giá là rất quan trọng đối với thành công của Việt Nam trong hoạt động gìn giữ hòa bình.

Với tỷ lệ nữ quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của Liên hợp quốc thể hiện cam kết cũng như quyết tâm của Việt Nam trong việc hiện thực hoá Nghị quyết số 1325 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều hoạt động, những chính sách thiết thực và có nhiều sáng kiến mang tính đột phá nhằm tăng cường vai trò và sự tham gia của phụ nữ vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, qua đó góp phần thúc đẩy Chương trình nghị sự Phụ nữ, hòa bình và an ninh của Liên hợp quốc.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc nhằm thu hút nguồn lực từ bên ngoài, hỗ trợ cho công tác chuẩn bị lực lượng của Việt Nam trong tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, cũng như đóng góp vào xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng; góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới..

Phóng viên: Trong 10 năm qua, lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam đã tạo được những ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế. Xin Thiếu tướng chia sẻ những dấu ấn đặc biệt mà đội quân mũ nồi xanh đã cống hiến khi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam?

Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng: Trong 10 năm ghi dấu ấn của lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam tại Liên hợp quốc, chúng tôi có rất nhiều câu chuyện để kể. Tuy nhiên, có hai nội dung lớn mà chúng tôi muốn chia sẻ.

Thứ nhất, lần đầu tiên chúng ta đã triển khai thành công và duy trì ổn định hoạt động của các thê đội bệnh viện dã chiến đạt chất lượng tốt, được Liên hợp quốc đánh giá cao.

Sau bốn năm từ thời điểm Việt Nam cử hai cán bộ đầu tiên tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (tháng 5/2014), đến cuối năm 2018 ta đã triển khai thành công đội hình đơn vị đầu tiên, đó là Bệnh viện dã chiến 2.1 tới Bentiu, Nam Sudan. Việc cử một đơn vị gìn giữ hòa bình là một bước ngoặt về quy mô, thay đổi về chất trong đóng góp của Việt Nam đối với hòa bình thế giới. Trước khi được Liên hợp quốc lựa chọn, Việt Nam còn đứng sau 3 nước khác trong bảng xếp hạng sẵn sàng triển khai.

Trong năm năm qua, Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam đã thu dung điều trị cho hơn 10.000 bệnh nhân, trong đó có hơn 150 ca phẫu thuật, 70 ca vận chuyển đường không, bảo đảm an toàn, xử lý thành công nhiều ca cấp cứu y tế phức tạp, đòi hỏi chuyên môn cao vượt xa yêu cầu của Liên hợp quốc; nghiên cứu, ứng dụng và tổ chức điều trị theo phác đồ y học cổ truyền, vật lý trị liệu. Các thê đội Bệnh viện dã chiến cấp 2 đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hàng Quý đều đạt các kỳ kiểm tra năng lực của cơ quan Y tế Phái bộ, được chỉ huy Phái bộ đánh giá cao, tiếp tục khẳng định được chuyên môn, tinh thần trách nhiệm cao, là chỗ dựa tin cậy về chăm sóc sức khỏe cho nhân viên Liên hợp quốc và người dân tại địa bàn.

Lần đầu tiên triển khai đội hình đơn vị, đặc biệt là loại hình Bệnh viện Quân y với yêu cầu chất lượng phải đạt chuẩn quốc tế và Liên hợp quốc là một thách thức không nhỏ với Việt Nam, khi chúng ta chưa có chứng chỉ và kinh nghiệm về cấp cứu đường không, cấp cứu chấn thương nâng cao (ITLS). Thực tế, trên thế giới rất ít nơi có thể cấp được chứng chỉ ITLS, riêng Mỹ chỉ có hai cơ sở đào tạo và cấp được chứng chỉ này.

Bên cạnh đó, việc vận chuyển con người, vật chất trang bị và cung ứng thường xuyên cũng gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Với vị trí địa bàn xa xôi hiểm trở, cơ sở hạ tầng, xã hội gần như bằng không. Ban đầu, hoạt động khám chữa bệnh đều hoàn toàn trong những lều bạt, với tất cả trang thiết bị từ nhỏ nhất đều phải vận chuyển từ Việt Nam. Công tác vận chuyển bằng nhiều hình thức như đường biển, đường bộ và đường hàng không. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc cung ứng vật tư gặp vô vàn phức tạp khó khăn. Tuy nhiên, bằng sự linh hoạt, Quân đội ta đã vô cùng sáng tạo, khéo léo vận dụng các mối quan hệ hợp tác quốc tế để giải quyết các trở ngại nêu trên.

Trong công tác huấn luyện, Việt Nam đã kêu gọi phía Mỹ và Australia hỗ trợ chúng ta trong huấn luyện, đào tạo cho cán bộ, nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 các loại hình cấp cứu đường không và cấp cứu chấn thương nâng cao.

Với tất cả những nỗ lực trên, Bệnh viện dã chiến Việt Nam đã thể hiện được rất nhiều thế mạnh trong năng lực chuyên môn và khả năng ứng biến trong điều kiện khó khăn. Các bác sĩ, y tá, điều đưỡng của Việt Nam luôn luôn nhiệt tình khám, chữa bệnh cho tất cả bệnh nhân, kể cả những đối tượng không có trong quy định được hưởng của Liên hợp quốc. Từ đó tạo được thiện cảm quốc tế và phần nào khắc phục hạn chế về ngoại ngữ của cán bộ, nhân viên.

Trong giai đoạn 2019-2024, Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam đã được Liên hợp quốc gửi thư đến Chính phủ Việt Nam để khen ngợi và được bạn bè quốc tế, người dân địa phương yêu mến.

Thứ hai, chúng ta triển khai thành công Đội công binh Việt Nam, một loại hình đơn vị mới với hình thức và quy mô lớn hơn về cả trang thiết bị và con người.

Năm 2022, sau 4 năm triển khai bệnh viện dã chiến, Quân đội đã triển khai thành công Đội công binh số 1 với 184 cán bộ, nhân viên cùng hơn 2.500 tấn trang thiết bị xe máy, công binh, công trình tới Phái bộ UNISFA, khu vực Abyei. Đây là bước đột phá của Việt Nam khi mở ra một loại hình đơn vị mới trong tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Không phụ lòng tin của lãnh đạo Đảng và Quân đội, Đội công binh Việt Nam đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ, vượt trên cả mong đợi của Liên hợp quốc. Chúng ta đã xây dựng được 11 lớp học, 1 thư viện với 5 máy tính, làm mới 1 hệ thống giếng khoan và bơm điện, làm mới các con đường và cải tạo hạ tầng của của các trường học, nhà thờ, bệnh viện…

Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai đến địa bàn, Chỉ huy Phái bộ UNISFA, chính quyền địa phương, người dân Khu vực Abyei đánh giá rất cao và khẳng định Đội công binh của Việt Nam đã làm thay đổi diện mạo Khu vực Abyei, làm tăng niềm tin của người dân khu vực đối với các lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc bằng năng lực chuyên môn và sự tận tâm trong công việc. Người dân Khu vực Abyei luôn biết ơn Quân đội nhân dân Việt Nam đã cử Đội công binh đến Phái bộ UNISFA để thực thi sứ mệnh hòa bình tại miền đất đầy khó khăn, gian khổ này.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Đội công binh số 1 đã gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại như:

Lần đầu tiên Việt Nam đưa một lực lượng, trang bị lớn như vậy để thực hiện nhiệm vụ, bao gồm khoảng 140 đầu xe máy các loại, 62 container với tổng số 2.500 tấn đến Phái bộ. Toàn bộ quá trình di chuyển vận tải hàng hóa theo đường biển từ Việt Nam qua Biển Đỏ đến Cảng Xu-đăng. Từ cảng Xu-đăng đi đường bộ 1.700km qua rất nhiều vùng bất ổn về an ninh, chiến sự, nhưng chúng ta vẫn đến vị trí an toàn. Đội công binh Việt Nam chỉ mất chưa đến 3 tháng triển khai toàn bộ lực lượng và trang bị đến Phái bộ trong khi có quốc gia hơn 2 năm mới triển khai xong.

Khó khăn tiếp theo là việc tiếp nhận doanh trại Highway tại Phái bộ UNISFA, một cơ sở rất cũ nát mà theo Liên hợp quốc đánh giá đây không phải là doanh trại cho con người ở. Chúng ta đã khắc phục khó khăn bằng cách vừa làm việc, vừa sửa chữa và ổn định cuộc sống.

Bên cạnh đó, trong công tác chống lụt ở Abyei. Đội công binh Việt Nam đã ngày đêm đào đắp hàng trăm nghìn mét khối đất để giải quyết tính cấp bách về vận tải của phái bộ cũng như cuộc sống của người dân. Chúng ta đã tổ chức nhiều đợt cứu hộ sa lầy cho Liên hợp quốc và nhân dân địa phương để đảm bảo người dân có được lương thực và Phái bộ có được cung ứng. Ngoài ra, Đội công binh cũng hoàn thành tốt việc làm đường rừng tuần tra. Đây là một nhiệm vụ hoàn toàn mới, nhưng trong thời gian ngắn chỉ hơn hai tháng đầu mùa khô, chúng ta đã hoàn thành hơn 300km đường tuần tra xuyên rừng.

Với quyết tâm cao, cùng tinh thần dám nghĩ, dám làm, Đội công binh Việt Nam đã được Phái bộ công nhận với các điểm nhất:

Dám nhận và làm những việc khó khăn nhất (cứu hộ, cứu kéo trong lũ lụt).

Làm việc với trách nhiệm và tốc độ cao nhất. Đoàn tiền trạm của Đội công binh số 1 chỉ có 28 đồng chí, tuy nhiên chúng ta đã dám nhận công trình lớn nhất và phức tạp nhất của Phái bộ, hoàn thành trong vòng 3 tháng khi chưa có thiết bị và dụng cụ.

Tận tâm nhất. Chúng ta đã nhận và hoàn thành những việc mà các đơn vị khác không ai muốn làm như thực hiện chiến dịch thu gom và tiêu hủy bò chết vì dịch bệnh cùng các công tác dân vận, giúp đỡ người dân địa phương xây dựng lớp học, thư viện ở những vùng xa xôi hẻo lánh…

Phóng viên: Trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, đặt ra những yêu cầu mới đối với hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc nói chung và của Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng. Trước yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, lực lượng tham gia thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Quân đội nhân dân Việt Nam cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ gì?

Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng: Trong thời gian tới, trước yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của quá trình hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam tiếp tục tham mưu với Quân ủy Trung ương và Thủ trưởng Bộ Quốc phòng một số nhiệm vụ trọng tâm như:

Tiếp tục duy trì các lực lượng Việt Nam đang triển khai hiện nay thực hiện nhiệm vụ hiệu quả, an toàn tuyệt đối; chú trọng chuẩn bị nguồn nhân lực để thi tuyển vào các vị trí quan trọng, có ảnh hưởng trong việc hoạch định chính sách của Liên hợp quốc như các cơ quan của Liên hợp quốc, chỉ huy các phòng, ban của phái bộ; nghiên mở rộng địa bàn và các hình thức triển khai khác như đơn vị kiểm soát quân sự, đơn vị thông tin, đơn vị bảo vệ, lực lượng quân cảnh…

/UploadStore/admin/241226 TT Pham Manh Thang tra loi bao Nhan Dan/11.jpg

Hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý, trong đó hiện nay Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đang tích cực phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thiện quy trình, thủ tục để xây dựng Luật tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

Ngoài ra, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc nhằm thu hút nguồn lực từ bên ngoài, hỗ trợ cho công tác chuẩn bị lực lượng của Việt Nam trong tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, cũng như đóng góp vào xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng; góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới..

 

Xin cảm ơn Cục trưởng Phạm Mạnh Thắng!


Theo BÁO NHÂN DÂN

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Giáo sư Carlyle Thayer: Quân đội Việt Nam đóng góp to lớn vào thành tựu chung của đất nước

22/12/2024

"Kể từ khi ra đời vào năm 1944, Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam đã đóng vai trò to lớn đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong mọi giai đoạn phát triển của Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng đối với người dân Việt Nam, được người dân Việt Nam tôn kính gọi là Bác Hồ. Vì vậy, việc QĐND Việt Nam được gọi là Bộ đội Cụ Hồ mang ý nghĩa QĐND Việt Nam noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh cống hiến, hy sinh để bảo vệ đất nước Việt Nam", GS Carlyle Thayer tại Đại học New South Wales (Australia) khẳng định với phóng viên Báo QĐND.

Hành trình 80 năm vì hòa bình của Quân đội nhân dân Việt Nam

22/12/2024

Trong suốt 80 năm qua, Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam đã chứng tỏ là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, từ việc giành độc lập, phát triển và trở thành một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, đóng góp tích cực, hiệu quả vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ), vì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực cũng như trên thế giới.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

20/12/2024

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam (22-12-1944/22-12-2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989/22-12-2024), sáng 20-12, đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đến đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn (Hà Nội).

Tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân

20/12/2024

Sáng nay (20-12), Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944/ 22-12-2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989/ 22-12-2024).

Thư viện ảnh

Hoạt động Gìn Giữ Hòa Bình

Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission
Click to go to this mission

Việt Nam

Phái bộ GGHB LHQ

Phái bộ có lực lượng Việt Nam